Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: “Triển khai thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật”


Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN hiện nay rất quan trọng, đòi hỏi cần huy động sự tham gia của các các Bộ, ngành, địa phương và toàn thể xã hội trong việc tăng cường trách nhiệm theo dõi thi hành pháp luật, đảm bảo thực thi pháp luật hiệu quả.
Sáng ngày 29/11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện Đề án “Triển khai thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật” của Thủ tướng Chính phủ và sơ kết thực hiện Thông tư 03/2010/TT-BTP hướng dẫn theo dõi thi hành pháp luật của Bộ Tư pháp.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh: Xây dựng và thi hành pháp luật là hai nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) để đảm bảo việc thực thi pháp luật hiệu quả.
Bên cạnh đó, công tác thi hành pháp luật cũng ngày càng được chú trọng, đây là khâu then chốt để đảm bảo thi hành Nhà nước pháp quyền XHCN.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: các VBQPPL chưa được tổ chức thi hành kịp thời, đầy đủ, nhất là các Thông tư liên tịch; nhiều VBQPPL chưa thực sự đi vào cuộc sống, tính khả thi thấp; các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực thi chưa được kịp thời phát hiện, một số VBQPPL giữa các Bộ, ngành còn mâu thuẫn và chống chéo lẫn nhau tạo ra kẽ hở pháp luật. Đồng thời cũng chưa có cơ chế theo dõi thi hành pháp luật chung trong cả nước, từ đó thiếu các kiến nghị mang tính vĩ mô, liên ngành dẫn đến hệ lụy lớn cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước, bó tay các công cụ quản lý Nhà nước, gây bức xúc dư luận…
Nhằm từng bước khắc phục những tồn tại nêu trên, ngày 22/8/2008 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/NĐ-CP giao Bộ Tư pháp hai nhiệm vụ cụ thể là theo dõi chung về tình hình thi hành pháp luật trong cả nước và hướng dẫn đôn đốc các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác theo dõi thi hành pháp luật. Đây là một nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa xã hội lớn, liên quan đến tổ chức và hoạt động của tất cả các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương song cũng đòi hỏi cần một lộ trình, bước đi phù hợp.
Trong bối cảnh đó, ngày 30/11/2009 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1987/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Triển khai thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật” thực hiện đánh giá tình hình thi hành, tổ chức và theo dõi thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực thí điểm ở một số Bộ, ngành, địa phương.
Trên cơ sở này, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư 03/2010/TT-BTP ngày 3/3/2010, hướng dẫn thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Đây là cơ sở pháp lý ban đầu để hướng dẫn việc theo dõi thi hành pháp luật tại các Bộ, ngành, địa phương làm cơ sở để xây dựng VBPL cao hơn là Nghị định của Chính phủ về theo dõi thi hành pháp luật.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường đề nghị: Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật cần được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục, toàn diện và kịp thời; có sự kết hợp theo dõi thi hành pháp luật theo ngành và địa phương. Các đại biểu cần tập trung thảo luận về các điểm vướng mắc, các vấn đề còn khó khăn, phát sinh trên thực tiễn mà Bộ, ngành, địa phương mình thực hiện. Trên cơ sở đó, đưa ra các đề xuất, kiến nghị chính xác, quan trọng nhằm hoàn thiện pháp luật trong từng lĩnh vực có liên quan.
Báo cáo kết quả Đề án cho thấy, việc lựa chọn các hoạt động, nơi tiến hành thí điểm, phương thức các hoạt động trong Đề án là chính xác và có ý nghĩa thiết thực cho việc triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật trong thời gian đầu. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị được thành lập thí điểm đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức khác nhau. Công tác theo dõi thi hành pháp luật tại các Bộ, ngành, địa phương thí điểm đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, các hoạt động chủ yếu đề ra trong Đề án đã được triển khai đầy đủ và đạt được mục tiêu đề ra. Mức độ và kết quả đạt được của mỗi hoạt động tuy có khác nhau nhưng tổng hợp lại có đóng góp tích cực cho việc xác định rõ ý nghĩa quan trọng, những thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế khó khăn như: chưa tạo được bước chuyển biến rõ rệt trong công tác theo dõi thi hành pháp luật sau khi hoàn thành các hoạt động của Đề án, chưa phát huy đầy đủ sự tham gia và vai trò của các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức pháp chế các Bộ, ngành, Sở Tư pháp các địa phương trong việc thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật; nhiều nơi, nhiều lúc công tác theo dõi thi hành pháp luật còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất, do đó hiệu lực, hiệu quả chưa cao…
Qua gần 2 năm triển khai Thông tư số 03/2010/TT-BTP đã tạo cơ sở pháp lý ban đầu cho các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật. Tùy thuộc vào đặc điểm tình hình và điều kiện kinh tế-xã hội, kế hoạch của mỗi Bộ, ngành, địa phương lựa chọn việc theo dõi, đánh giá trên một hoặc nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau.
Có thể thấy rằng, công tác theo dõi thi hành pháp luật bước đầu đã được Bộ, ngành, địa phương quan tâm, tuy nhiên việc tổ chức đơn vị hoặc bộ phận chuyên trách không được thực hiện thống nhất ở tất cả Bộ, ngành, địa phương; chưa tập trung và chưa thật sự có tác dụng thiết thực đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của các Bộ, ngành, địa phương. Hiện nay, vẫn chưa có cơ chế tài chính cũng như quy định cụ thể về mức chi ngân sách cho các hoạt động nghiệp vụ theo dõi thi hành pháp luật.
Trình bày tham luận, đại diện Bộ Tài chính cho rằng: Việc tổ chức đánh giá tình hình thi hành pháp luật theo hai bước tự đánh giá và kiểm tra, đánh giá trực tiếp về cơ bản là phù hợp. Tuy nhiên, về lâu dài, để đảm bảo tính toàn diện, phải tính đến việc mở rộng phạm vi, không tập trung ở một số tỉnh, thành phố lớn và đa dạng hơn về đối tượng khảo sát như các chuyên gia trong từng lĩnh vực, tổ chức, cá nhân có quyền và lợi ích liên quan…
Đại diện Sở Tư pháp Hà Nội kiến nghị: Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định cụ thể về công tác theo dõi thi hành pháp luật theo hướng hoàn thiện những quy định tại Thông tư 03/2010/TT-BTP, trong đó cần quy định rõ về phạm vi theo dõi đối với đối tượng là cơ quan nhà nước, công chức khi thi hành công vụ và thực hiện pháp luật; các bước tiến hành việc kiểm tra, khảo sát; chế độ hoặc phụ cấp nghề cho cán bộ làm công tác thi hành pháp luật…
Thu Hằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét