Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

Bộ trưởng Hà Hùng Cường dự kỷ niệm 10 năm thành lập Công ty Luật SMiC


Ngày 27/11/2011, lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Công ty Luật SMiC – một trong những hãng luật uy tín hàng đầu tại Việt Nam – đã diễn ra trọng thể tại Khách sạn Daewoo, Hà Nội.
Cũng tại lễ kỷ niệm, SMiC đã vinh dự đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về những thành tựu nổi bật trong hoạt động 10 năm qua.
“10 năm đối với cá nhân tôi cũng như SMiC là một chặng đường dài với nhiều sự kiện đáng nhớ. Từ một vài nhân viên thuở ban đầu, với lượng khách hàng và doanh thu khiêm tốn, đến nay tổng số cán bộ nhân viên của SMiC đã lên tới hơn 50 người, công ty đang cung cấp dịch vụ pháp lý và tư vấn thường xuyên cho hàng trăm tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước, doanh thu mỗi năm hàng chục tỷ đồng”, Chủ tịch Tập đoàn FLC kiêmTổng giám đốc Công ty Luật SMiC, ông Trịnh Văn Quyết nói.
Ông Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, công bố về việc trao tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, công bố về việc trao tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
“Đó có thể xem là những thành quả đáng tự hào đối với một hãng luật mà nguồn lực hoàn toàn là trong nước, chứ không có yếu tố nước ngoài kể từ khi thành lập cho đến nay”.
5 nhân tố kết tinh thành công
Ông Lê Đình Vinh, Phó tổng giám đốc SMiC, đánh giá sự phát triển hiện naycủa SMiC đến từ 5 nhân tố cơ bản. Đó là triết lý đúng, cách làm đúng, chất lượng nguồn nhân lực, văn hóa doanh nghiệp và sự kết nối cộng đồng.
“Triết lý của SMiC là luôn luôn sát cánh cùng doanh nghiệp, coi doanh nghiệp không phải là khách hàng thuần túy mà là những người bạn, đối tác đồng hành. Khi khách hàng tìm đến tư vấn, điều đầu tiên chúng tôi quan tâm là liệu có giúp được khách hàng đó vượt qua những trở ngại pháp lý mà họ gặp phải hay không”, ông Vinh nói.
Ngoài triết lý đúng thì phải có cách làm đúng, sáng tạo. “Chỉ có cách làm đúng, sáng tạo, độc đáo thì mới có thể thành công. Trong quá trình hoạt động, chúng tôi luôn luôn lựa chọn và tìm ra những hướng đi độc đáo cho công ty cũng như cho từng vụ việc tư vấn cụ thể. Chẳng hạn, trong khi nhiều công ty luật khác bắt tay với các công ty luật nước ngoài để khai thác thị trường tư vấn pháp lý trong nước thì chúng tôi là công ty đầu tiên mạnh dạn chủ động vươn ra nước ngoài với việc đặt chi nhánh tại Singapore, cùng kế hoạch vươn ra thị trường châu Âu và Bắc Mỹ trong tương lại không xa”.
Với đội ngũ luật sư, chuyên gia tư vấn đông đảo, có trình độ cao, am hiểu pháp luật và thực tiễn kinh doanh, SMiC đã mang đến cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước những giải pháp tư vấn toàn diện, hữu hiệu khi tiến hành đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Bên cạnh những thế mạnh truyền thống là tư vấn dự án, tư vấn đầu tư, hợp đồng, sở hữu trí tuệ, SMiC đang phát triển mạnh sang các lĩnh vực tư vấn về tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sáp nhập và mua bán doanh nghiệp… Ngoài ra, công ty còn sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu tư vấn của khách hàng về các lĩnh vực pháp luật khác.
SMiC không chỉ là một công ty mà còn là một tổ ấm, một ngôi nhà chung. “Trong nội bộ công ty, từ ban lãnh đạo đến toàn thể công nhân viên đều đồng thuận trên dưới một lòng hết mình vì công việc, tất cả vì uy tín và sự phát triển vững chắc của SMiC. Chính vì thế, đã tạo cho SMiC một động lực, một sức mạnh tập thể to lớn để sẵn sàng vượt qua mọi thử thách”, ông Vinh nhìn nhận.
Giá trị của doanh nghiệp không chỉ là hiệu quả kinh doanh, doanh thu và lợi nhuận mà còn được đánh giá thông qua trách nhiệm với xã hội. Đây là một trong những niềm tự hào của SMiC, với sự tham gia tích cực và bền bỉ trong nhiều năm qua đối với các hoạt động thiện nguyện, các phong trào mang tính xã hội, cộng đồng trên địa bàn Thủ đô cũng như cả nước.
“Sự chuyên nghiệp và uy tín trong các dịch vụ tư vấn pháp lý cho các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước đã đưa SMiC đến với nhiều thành công. Những nỗ lực không mệt mỏi của SMiC đã được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng cao quý. Đặc biệt, bằng khen được Chính phủ trao tặng cho SMiC hôm nay, có thể xem là một sự công nhận và động viên xứng đáng đối với kết quả hoạt động 10 năm qua trong hoạt động tư vấn pháp lý”, ông Quyết nói.
SMiC, 10 năm và những dấu ấn
Năm 2001, Công ty Tư vấn SMiC được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 1999. Mục tiêu của SMiC là xúc tiến hoạt động đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ những giải pháp tư vấn về giám sát, quản lý và đầu tư để các doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả kinh doanh.
Tháng 8/2003, Văn phòng Luật sư SMiC ra đời trên cơ sở kế thừa những thành quả của Công ty Tư vấn SMiC, khởi đầu cho sự chuyển hướng của SMiC sang hoạt động tư vấn chuyên nghiệp. Từ đây, thương hiệu SMiC bắt đầu hành trình chinh phục thị trường dịch vụ tư vấn pháp luật tại Việt Nam.
Tháng 7/2008, sau khi Luật Luật sư được ban hành năm 2006, đứng trước yêu cầu hội nhập và phát triển, Văn phòng Luật sư SMiC được chuyển đổi thành Công ty Luật SMiC. Sự kiện này là dấu mốc quan trọng, mở ra một thời kỳ phát triển mạnh mẽ và năng động của SMiC.
Cũng trong năm 2008, SMiC đã khai trương chi nhánh tại Tp.HCM, đầu tàu về kinh tế, thương mại, đầu tư, và cũng là thị trường dịch vụ tư vấn pháp luật lớn và sôi động nhất cả nước.
Tháng 8/2009, trong lễ kỷ niệm 8 năm thành lập SMiC, công ty đã vinh dự đón nhận nhiều danh hiệu cao quý, tôn vinh những thành tựu và đóng góp trong lĩnh vực tư vấn pháp luật và cho sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Năm 2010, SMiC tiếp tục theo đuổi chiến lược khẳng định thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực tư vấn pháp luật tại Việt Nam và vươn tầm hoạt động ra khu vực và thế giới, mở đầu bằng việc khai trương chi nhánh tại Singapore trong năm 2010 và từng bước tiếp cận các thị trường Đông Bắc Á, Tây Âu và Bắc Mỹ.
Và trong năm 2011, với những thành tích và đóng góp to lớn trong lĩnh vực tư vấn pháp luật, tham gia xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật, tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật, thực hiện trách nhiệm xã hội và tham gia xây dựng cộng đồng, SMiC vinh dự đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trao tặng.
Hiện tại, hàng trăm tập đoàn, doanh nghiệp trong nước thường xuyên sử dụng dịch vụ tư vấn của SMiC, trong đó có các doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Sông Đà, Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor), Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Nam Triệu, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco), Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thái (Phu Thai Group), Công ty Cổ phần Tập đoàn Vina Megastar, Ngân hàng An Bình (An Binh Bank), Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), Công ty Honda Việt Nam….
Bên cạnh đó, SMiC còn được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài tin tưởng sử dụng dịch vụ tư vấn như: Tập đoàn Doosan (Hàn Quốc), Tập đoàn Dệt lụa Thượng Hải (Shanghai Silk -Trung Quốc), Công ty Keely Wu (Đài Loan), Công ty Kris Fashion (Singapore), Tập đoàn Nippon (Nhật Bản)…

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: “Triển khai thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật”


Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN hiện nay rất quan trọng, đòi hỏi cần huy động sự tham gia của các các Bộ, ngành, địa phương và toàn thể xã hội trong việc tăng cường trách nhiệm theo dõi thi hành pháp luật, đảm bảo thực thi pháp luật hiệu quả.
Sáng ngày 29/11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện Đề án “Triển khai thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật” của Thủ tướng Chính phủ và sơ kết thực hiện Thông tư 03/2010/TT-BTP hướng dẫn theo dõi thi hành pháp luật của Bộ Tư pháp.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh: Xây dựng và thi hành pháp luật là hai nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) để đảm bảo việc thực thi pháp luật hiệu quả.
Bên cạnh đó, công tác thi hành pháp luật cũng ngày càng được chú trọng, đây là khâu then chốt để đảm bảo thi hành Nhà nước pháp quyền XHCN.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: các VBQPPL chưa được tổ chức thi hành kịp thời, đầy đủ, nhất là các Thông tư liên tịch; nhiều VBQPPL chưa thực sự đi vào cuộc sống, tính khả thi thấp; các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực thi chưa được kịp thời phát hiện, một số VBQPPL giữa các Bộ, ngành còn mâu thuẫn và chống chéo lẫn nhau tạo ra kẽ hở pháp luật. Đồng thời cũng chưa có cơ chế theo dõi thi hành pháp luật chung trong cả nước, từ đó thiếu các kiến nghị mang tính vĩ mô, liên ngành dẫn đến hệ lụy lớn cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước, bó tay các công cụ quản lý Nhà nước, gây bức xúc dư luận…
Nhằm từng bước khắc phục những tồn tại nêu trên, ngày 22/8/2008 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/NĐ-CP giao Bộ Tư pháp hai nhiệm vụ cụ thể là theo dõi chung về tình hình thi hành pháp luật trong cả nước và hướng dẫn đôn đốc các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác theo dõi thi hành pháp luật. Đây là một nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa xã hội lớn, liên quan đến tổ chức và hoạt động của tất cả các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương song cũng đòi hỏi cần một lộ trình, bước đi phù hợp.
Trong bối cảnh đó, ngày 30/11/2009 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1987/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Triển khai thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật” thực hiện đánh giá tình hình thi hành, tổ chức và theo dõi thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực thí điểm ở một số Bộ, ngành, địa phương.
Trên cơ sở này, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư 03/2010/TT-BTP ngày 3/3/2010, hướng dẫn thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Đây là cơ sở pháp lý ban đầu để hướng dẫn việc theo dõi thi hành pháp luật tại các Bộ, ngành, địa phương làm cơ sở để xây dựng VBPL cao hơn là Nghị định của Chính phủ về theo dõi thi hành pháp luật.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường đề nghị: Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật cần được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục, toàn diện và kịp thời; có sự kết hợp theo dõi thi hành pháp luật theo ngành và địa phương. Các đại biểu cần tập trung thảo luận về các điểm vướng mắc, các vấn đề còn khó khăn, phát sinh trên thực tiễn mà Bộ, ngành, địa phương mình thực hiện. Trên cơ sở đó, đưa ra các đề xuất, kiến nghị chính xác, quan trọng nhằm hoàn thiện pháp luật trong từng lĩnh vực có liên quan.
Báo cáo kết quả Đề án cho thấy, việc lựa chọn các hoạt động, nơi tiến hành thí điểm, phương thức các hoạt động trong Đề án là chính xác và có ý nghĩa thiết thực cho việc triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật trong thời gian đầu. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị được thành lập thí điểm đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức khác nhau. Công tác theo dõi thi hành pháp luật tại các Bộ, ngành, địa phương thí điểm đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, các hoạt động chủ yếu đề ra trong Đề án đã được triển khai đầy đủ và đạt được mục tiêu đề ra. Mức độ và kết quả đạt được của mỗi hoạt động tuy có khác nhau nhưng tổng hợp lại có đóng góp tích cực cho việc xác định rõ ý nghĩa quan trọng, những thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế khó khăn như: chưa tạo được bước chuyển biến rõ rệt trong công tác theo dõi thi hành pháp luật sau khi hoàn thành các hoạt động của Đề án, chưa phát huy đầy đủ sự tham gia và vai trò của các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức pháp chế các Bộ, ngành, Sở Tư pháp các địa phương trong việc thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật; nhiều nơi, nhiều lúc công tác theo dõi thi hành pháp luật còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất, do đó hiệu lực, hiệu quả chưa cao…
Qua gần 2 năm triển khai Thông tư số 03/2010/TT-BTP đã tạo cơ sở pháp lý ban đầu cho các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật. Tùy thuộc vào đặc điểm tình hình và điều kiện kinh tế-xã hội, kế hoạch của mỗi Bộ, ngành, địa phương lựa chọn việc theo dõi, đánh giá trên một hoặc nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau.
Có thể thấy rằng, công tác theo dõi thi hành pháp luật bước đầu đã được Bộ, ngành, địa phương quan tâm, tuy nhiên việc tổ chức đơn vị hoặc bộ phận chuyên trách không được thực hiện thống nhất ở tất cả Bộ, ngành, địa phương; chưa tập trung và chưa thật sự có tác dụng thiết thực đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của các Bộ, ngành, địa phương. Hiện nay, vẫn chưa có cơ chế tài chính cũng như quy định cụ thể về mức chi ngân sách cho các hoạt động nghiệp vụ theo dõi thi hành pháp luật.
Trình bày tham luận, đại diện Bộ Tài chính cho rằng: Việc tổ chức đánh giá tình hình thi hành pháp luật theo hai bước tự đánh giá và kiểm tra, đánh giá trực tiếp về cơ bản là phù hợp. Tuy nhiên, về lâu dài, để đảm bảo tính toàn diện, phải tính đến việc mở rộng phạm vi, không tập trung ở một số tỉnh, thành phố lớn và đa dạng hơn về đối tượng khảo sát như các chuyên gia trong từng lĩnh vực, tổ chức, cá nhân có quyền và lợi ích liên quan…
Đại diện Sở Tư pháp Hà Nội kiến nghị: Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định cụ thể về công tác theo dõi thi hành pháp luật theo hướng hoàn thiện những quy định tại Thông tư 03/2010/TT-BTP, trong đó cần quy định rõ về phạm vi theo dõi đối với đối tượng là cơ quan nhà nước, công chức khi thi hành công vụ và thực hiện pháp luật; các bước tiến hành việc kiểm tra, khảo sát; chế độ hoặc phụ cấp nghề cho cán bộ làm công tác thi hành pháp luật…
Thu Hằng